Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt: Quân đội Trung Quốc không can dự vụ tàu Bình Minh 02
SGTT.VN - Bên lề đối thoại Shangri-La, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã gặp người đồng nhiệm phía Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định: quân đội nước này không can dự vào sự kiện tàu Bình Minh 02.
Nếu như năm ngoái, đối thoại Shangri - La nóng lên sau khi bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phê phán quan điểm coi biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, thì năm nay các sự kiện liên tiếp xảy ra trên Biển Đông trước ngày 4.6, ngày khai mạc Shangri - la lần thứ X, khiến cho đối thoại năm nay thu hút sự chú ý của khu vực lẫn thế giới.
Cuộc đối thoại năm nay được dư luận quan tâm vì hầu hết bộ trưởng Quốc phòng các nước lớn liên quan đã tham dự. Các bên hẳn muốn tìm hiểu lập trường Washington về an ninh khu vực khi Mỹ bước vào thời kỳ “hậu Bin Laden”. Bên cạnh đó, nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc triển khai giai đoạn mới đối với Biển Đông, áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đối với “đường lưỡi bò” chiếm 80% biển Đông. Từ đó gây ra các sự cố căng thẳng ở biển Đông gần đây.
Luận điểm mới về lợi ích quốc gia
Tình hình biển Đông hiện hữu trong tinh thần nhiều bài phát biểu tại diễn đàn, cũng như tiếp xúc và trao đổi bên lề Hội nghị. Nhưng những ai chờ đợi sự tranh luận căng thẳng như trong năm 2010 hẳn sẽ thất vọng trước tinh thần thẳng thắn song mang tính xây dựng của các bên tham gia. Shangri - la X phản ánh một cách không nhầm lẫn nguyện vọng duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác của các quốc gia trong khu vực. Các bài phát biểu của các thể hiện xu thế đối thoại và hợp tác.
Bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Malaysia Rajib Nazak ở một phương diện nào đó thể hiện mạch chính của tư duy, nhận thức hiện nay của châu Á, trong đó và trước hết là Đông Nam Á, ở thời kỳ thế giới biến động và chuyển dịch quyền lực tại châu Á-Thái Bình Dương. Ông đề cập một vấn đề không mới nhưng rất thời sự: Quan hệ thế nào với một Trung Quốc quốc lực ngày càng tăng cường, có thể trở thành cường quốc kinh tế số một trong vòng 30 năm?
Ông cho rằng các nước khu vực không nên trở lại tư duy chiến tranh lạnh (đi với bên này chống bên kia), mà cần đối tác với tất các nước lớn, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Mỹ. ASEAN không có sự lựa chọn nào khác là phải quan hệ với tất cả các nước lớn. Sẽ là sai lầm nếu xem Trung Quốc là kẻ địch. Ông lạc quan “một bộ qui tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn về Biển Đông sẽ sớm thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc”. Ông nêu một luận điểm mới: “Lợi ích quốc gia đang ngày càng trở thành lợi ích tập thể trong chủ nghĩa đa phương”.
Các lời lẽ hòa dịu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sắp từ nhiệm về quan hệ quân sự Mỹ-Trung qua các tiếp xúc nhân dịp Đối thoại Shangrila phần nào tạo cảm giác về một quá trình hòa hoãn giữa hai nước lớn. Có lẽ, giữa hai nước lớn này, ít nhất về mặt quân sự, đang có một “cuộc giải lao” giữa hai hiệp đấu. Hai bên, trước hết là Trung Quốc, cần ổn định quan hệ an ninh với Mỹ trước thềm đại hội lần thứ 18 của đảng cộng sản Trung Quốc và bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ 2012. Mỹ nhận được một số nhượng bộ kinh tế thương mại từ phía Trung Quốc.
Nhưng phát biểu chính thức của bộ trưởng R. Gates tại diễn đàn Shangri - la vẫn thể hiện các quan điểm không thay đổi của chính quyền Obama liên quan đến khu vực rộng lớn này: Mỹ cam kết mạnh mẽ đối với an ninh khu vực – với đồng minh cũng như đối tác. Ông Gates cũng thẳng thắn thừa nhận Mỹ gặp khó khăn về kinh tế tài chính dẫn tới cắt giảm ngân sách quốc phòng, nhưng vẫn ưu tiên duy trì sự hiện diện quân sự được hiện đại hóa ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Ấ Độ Dương; bảo đảm khả năng răn đe, và nếu cần đánh bại các kẻ địch tiềm tàng.
Liên quan Biển Đông, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định “lợi ích quốc gia” đối với tự do hàng hải; bày tỏ mong muốn các bên giải quyết tranh chấp phù hợp với Công ước luật biển LHQ và không sử dụng vũ lực.
Có lẽ không phải tình cờ, bài phát biểu của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đề cập đến Việt Nam cùng sáu quốc gia khác Mỹ có quan hệ ở khu vực (Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore và Úc), khẳng định Mỹ cùng Việt Nam bỏ qua quá khứ xây dựng các quan hệ đối tác song phương mạnh mẽ, sinh động trên tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, giáo dục và an ninh quân sự.
Thể hiện chiều hướng phát triển an ninh Mỹ - Trung, ông Gates khẳng định Mỹ theo đuổi quan hệ mới với Trung Quốc, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác quân sự với các nước khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, chữ biển Đông không xuất hiện trong diễn văn của ông Gates như từng xảy ra trong năm ngoái, cũng như sự dịu giọng của các quan chức Mỹ về biển Đông gần đây khiến cho người ta cho rằng, có sự thỏa hiệp về phía Mỹ để đổi lấy những nhượng bộ của Trung Quốc về kinh tế.
Trung Quốc: Quân đội không can dự vào sự kiện vừa qua
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc tiếp xúc lần đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 (ngày 26.5). Thượng tướng Lương Quang Liệt nhất trí với ý kiến của Đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và các văn kiện khác. Ông nói: “Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”.
Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị quân đội hai nước bình tĩnh, kiềm chế, không để xảy ra xung đột, gương mẫu thực hiện cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước về bốn tốt.
Thể hiện thái độ chừng mực, thận trọng và có phần hòa dịu, bài phát biểu chính thức của bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại diễn đàn sáng ngày 5.6 thể hiện các quan điểm cơ bản của lãnh đạo Bắc Kinh cam kết duy trì hòa bình, ổn định thông qua hợp tác an ninh khu vực.
Về vấn đề biển Nam Trung Hoa (biển Đông), ông Liệt khẳng định Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình, ổn định tại vùng biển này; đề cập việc ký kết DOC mà “Trung Quốc vẫn tích cực duy trì đối thoại”. Ông cho rằng “tình hình trên biển Nam Trung Hoa vẫn ổn định” và “các kênh đối thoại và thương lượng với các nước liên quan vẫn mở”.
Đối thoại không phải là thương lượng, nhưng cũng phần nào bắt mạch xu hướng và thời cuộc. Trong bối cảnh khu vực như hiện tại, nếu biết chuẩn bị tinh thần và thực lực, kết hợp sức mạnh tổng hợp đoàn kết toàn dân với hợp tác và đấu tranh khôn khéo, một quốc gia có chủ quyền có thể bảo vệ được lợi ích cốt lõi của đất nước mình.